Có thể trong 5 năm qua bạn đã nghe quá nhiều bàn tán về Blockchain, phần Blockchain là tương lai, phần Blockchain chính là mối hiểm họa… nhưng chung quy lại thì nó chính là tham vọng, giấc mơ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Để bạn hiểu rõ hơn về công nghệ này thì ở bài viết này mình sẽ giúp bạn tìm hiểu về khái niệm, cha đẻ của blockchain, cách blockchain hoạt động, ưu và nhược điểm blockchain ở hiện tại và những tính ứng dụng của blockchain trong cuộc sống hiện nay.
Blockchain là gì? Cha đẻ blockchain là ai?
Mình đã từng như bạn và mình biết là đọc 1 lần khó mà hiểu được toàn bộ nội dung này (đây chỉ dừng ở mức độ cơ bản). Vì vậy bạn nên lưu lại và đọc ít nhất là 4-5 lần.
Khái niệm
Blockchain là cơ sở dữ liệu phân tán ngang hàng được chia sẻ giữa các nodes (nút) mạng máy tính, dữ liệu được đóng theo dạng khối có cấu trúc và được truyền đi dưới dạng mã hóa.

Mục tiêu của blockchain là cho phép các thông tin kỹ thuật số được ghi lại và phân phối nhưng không thể can thiệp chỉnh sửa được, vì vậy mà nhiều nơi còn định nghĩa blockchain là cuốn sổ cái bất biến bao gồm tất cả thông tin giao dịch nhưng không thể thay đổi, xóa đi hoặc phá hủy, đã phát sinh ra thông tin thì nó sẽ tồn tại mãi mãi.
Đây là lý do tại sao lại có thêm về thuật ngữ Distributed ledger technology (công nghệ sổ cái phân tán).
Liên quan theo đó sẽ có 3 yếu tố chính trong blockchain mà bạn cần phải biết:
- Distributed ledger technology (công nghệ sổ cái phân tán): Tất cả những người tham gia vào mạng lưới đều có quyền truy cập vào sổ cái và xem được các hồ sơ giao dịch và hiển nhiên các giao dịch này chỉ được ghi lại 1 lần trong cuộc đời này.
- Immutable records (hồ sơ bất biến): nghĩa là người tham gia không thể nào có thể thay đổi hay giả mạo các giao dịch sau khi nó đã được ghi lại trên sổ cái. Nếu 1 giao dịch có phát sinh lỗi thì 1 giao dịch mới phải được thêm vào và cả 2 giao dịch này đều sẽ được hiển thị.
- Smart contracts (hợp đồng thông minh): hiểu đơn giản thì đây là các chương trình được lưu trữ trên blockchain và được thực hiện 1 cách tự động với mục đích là để tăng tốc độ giao dịch.
Để dễ hình dung thì bạn cứ hiểu như thế này, tài sản hiện nay sẽ được chia thành 2 dạng chính sau:
- Hữu hình: như nhà, xe hơi, tiền mặt, đất đai, … là những thứ mà bạn có thể cầm nắm được.
- Vô hình: theo hướng ngược lại thì đây là những sản phẩm mà bạn không thể cầm nắm được như bằng sáng chế, bản quyền, âm nhạc …
Khi bạn giao dịch bất kỳ 1 tài sản nào (gần như là bất kỳ thứ gì trong 2 dạng chính trên) đều có thể được giao dịch và theo dõi trên mạng blockchain, nhưng bạn sẽ không thể can thiệp, chỉnh sửa, thu hồi hay xóa bỏ những giao dịch đã thực hiện.
Nếu vì một vài bất cẩn nào đó mà bạn thao tác nhầm hay phát sinh tranh chấp gì giữa bên bán và bên mua thì giao dịch đó xem như mất và không ai có thể đứng ra giúp bạn lấy lại được.
Quá trình sinh ra và lớn lên của blockchain
Ai cũng hiểu lầm là công nghệ blockchain bắt đầu xuất hiện ở thế kỷ XXI, điển hình là năm 2009 (năm mà Bitcoin ra đời), nhưng thật sự thì blockchain đã xuất hiện vào năm 1991 bởi 2 nhà toán học là Stuart Haber và W.Scott Stornetta, với mong muốn là những tài liệu quan trọng không thể bị can thiệp và làm giả.

Sau đó vào năm 1998, Nick Szabo được xem là huyền thoại trong làng Cypherpunks* đã đề xuất sử dụng blockchain để đảm bảo cho hệ thống thanh toán kỹ thuật số với dự án có tên Bit gold, mặc dù chưa bao giờ được thực hiện nhưng nỗ lực của Szabo được xem là tiền thân của giao thức Bitcoin của Satoshi Nakamoto sau này.
*Cypherpunk: là những học giả phi chính phủ đầu tiên khám phá mật mã học, các ứng dụng và ý nghĩa mà nó mang lại cho cộng đồng. Vào năm 1993, mục tiêu của nhóm là tập trung vào quyền riêng tư thông qua tuyên ngôn của Cypherpunk
Blockchain hoạt động thế nào?
Nếu bạn vẫn chưa thể ngấm được về khái niệm “blockchain là gì” ở trên thì quy trình cách blockchain hoạt động sẽ giúp bạn hình dung ra được:
- Mỗi khi phát sinh 1 giao dịch, dữ liệu sẽ được ghi lại dưới dạng 1 khối
- Tiếp theo một khối này sẽ tìm và kết nối với những khối trước đó, các khối này sẽ tạo thành 1 chuỗi dữ liệu khi tài sản của bạn di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
- Các khối này sẽ xác nhận dựa vào thời gian và trình tự của giao dịch, các khối liên kết an toàn với nhau để ngăn chặn bất kỳ 1 khối nào có thể bị can thiệp thay đổi.
- Nếu có sự giả mạo giao dịch, tất cả các khối sẽ tăng cường xác minh và tham chiếu chéo lẫn nhau và dễ dàng xác định được khối với thông tin không chính xác. Chính vì điều này mà sẽ giúp tránh được việc can thiệp từ các tác nhân độc hại và xây dựng được 1 sổ cái các giao dịch mà bạn và các thành viên khác trong mạng có thể tin tưởng.
Ngoài ra, rất nhiều người hiện nay hiểu lầm blockchain chỉ có 1 mạng lưới duy nhất là Bitcoin, nhưng sự thật số lượng sẽ nhiều hơn như vậy.

Các loại mạng lưới blockchain
Hiện tại sẽ có 3 loại mạng lưới blockchain chính đang được sử dụng và áp dụng nhiều:
- Public blockchain (blockchain công khai): loại được nhiều người biết đến nhất là Bitcoin, loại mạng blockchain mà bất cứ ai cũng có thể tham gia.
- Private blockchain (blockchain riêng tư): cũng tương tự như Public là mạng lưới ngang hàng phi tập trung. Tuy nhiên, sẽ có 1 tổ chức quản lý và kiểm soát ai sẽ được tham gia vào mạng lưới.
- Consortium blockchain (blockchain tập đoàn): là mạng lưới blockchain trong đó có nhiều tổ chức quản lý nền tảng.
Ngoài ra, còn sẽ có thêm về loại mạng Hybrid blockchain nhưng còn là hàng hiếm nên mình sẽ không vội đề cập đến.
Ưu và nhược điểm của blockchain ở hiện tại
Càng đào sâu thì chúng ta có thể thấy blockchain thật sự là 1 lĩnh vực phức tạp, nhưng không thể phủ nhận blockchain là tương lai với những tiềm năng to lớn mà nó mang lại, chẳng hạn như:
- Cải thiện tính chính xác, tốc độ giao dịch khi loại bỏ sự tham gia của con người trong quá trình xác minh.
- Không cần trung gian nên có thể giảm được bớt chi phí.
- Không cần phải chứng minh nguồn tiền khi rút con số quá lớn.
- Độ bảo mật và minh bạch trong giao dịch.
- Giao dịch trên blockchain hoạt động 24/7, chuyển tiền xuyên biên giới với tốc độ nhanh và tiện lợi hơn.
- Cung cấp giải pháp thay thế ngân hàng và khía cạnh sâu sắc nhất của blockchain nói chung là không phân biệt vùng miền, giới tính, văn hóa … bất kỳ ai cũng đều có thể sử dụng.
Song song đó, theo quan điểm cá nhân của mình thì blockchain vẫn còn tồn tại những bất cập sau:
- Mặc dù ưu điểm của blockchain giúp tiết kiệm phí giao dịch nhưng chi phí đầu tư cho công nghệ này lại không hề nhỏ.Ví dụ: Đào Bitcoin theo cơ chế PoW hiện nay tiêu tốn rất nhiều năng lượng, theo thống kê thì sức tiêu thụ điện từ hàng triệu máy tính khai thác Bitcoin sẽ gần bằng với cả quốc gia Na Uy và Ukraine trong 1 năm.
- Có những kẻ hở vẫn có thể khai thác được, mặc dù blockchain là an toàn nhưng khi mở rộng thì vẫn chưa thật sự đảm bảo.
- Chính vì ưu điểm là sự bảo mật khi giao dịch trên mạng blockchain mà rất nhiều kẻ xấu dùng nó để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp như hacker, dark web …
- Sự an toàn và minh bạch cũng được xem là hạn chế với nhiều người có tính không cẩn thận khi giao dịch trên blockchain, chỉ cần sai 1 chữ hay 1 số trong việc chuyển tiền thôi thì xem như mất luôn.
Tính ứng dụng của blockchain
Như mình đã nhắc đi nhắc lại thì blockchain chính là “mỏ vàng” mà bất kỳ cá nhân, tổ chức trong bất cứ lĩnh vực nào hiện nay cũng đều đang thèm khát để ứng dụng nó vào trong cuộc sống của con người, chẳng hạn như:
- Y tế: các bệnh viện có thể sử dụng blockchain để lưu trữ hồ sơ của bệnh nhân an toàn và không thể can thiệp thay đổi. Để tăng thêm quyền riêng tư thì những hồ sơ sức khỏe này có thể được mã hóa và lưu trữ trên blockchain bằng khóa riêng và chúng chỉ có thể truy cập vào được bởi bệnh nhân hoặc người nhà.
- Chuỗi cung ứng: nhà cung cấp có thể sử dụng blockchain để ghi lại chi tiết nguồn gốc các nguyên vật liệu mà họ đã mua. Ngoài ra, còn có thể theo dõi quá trình di chuyển và đảm bảo sự an toàn của thực phẩm từ kho đến tay người tiêu dùng.
- Tiền tệ: blockchain đã tạo ra nền tảng phát triển cho Bitcoin và các loại tiền điện tử khác mà không cần sự giám sát của bất kỳ cơ quan trung ương nào, giảm rủi ro giao dịch, giảm phí và có thể dùng để giao dịch từ nước này qua nước khác 1 cách nhanh chóng.
- Truyền thông, giải trí và quảng cáo: áp dụng blockchain có thể mang lại sự minh bạch cho các giao dịch kỹ thuật số, đảm bảo được quyền riêng tư và bản quyền cho các sản phẩm sáng tạo.
- Tài chính ngân hàng: đây có thể xem là lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất từ blockchain nếu ứng dụng blockchain vào các hoạt động kinh doanh. Với việc blockchain “không bao giờ ngủ” sẽ giúp ngân hàng giảm được thời gian giao dịch vào những thời điểm quá tải, trao đổi tiền giữa các tổ chức nhanh và an toàn hơn.
- Bỏ phiếu bầu cử: ứng dụng blockchain có thể loại bỏ khả năng gian lận từ việc bỏ phiếu bầu cử, duy trì sự minh bạch trong quá trình, giảm bớt nhân sự và cung cấp kết quả gần như ngay lập tức.
Tạm Kết
Với nhiều ứng dụng thực tế đã được khám phá và triển khai thì cuối cùng blockchain đã tạo nên tên tuổi cho chính nó và công lao một phần không nhỏ là nhờ Bitcoin.
Những năm gần đây, blockchain đã tiếp tục bùng nổ với các dự án tiền điện tử khác nhau, tài chính phi tập trung (DeFi), non-funible tokens (NFTs) và Smart contracts (hợp đồng thông minh).
Khi mà chúng ta đang ở thập kỷ thứ 4 của blockchain, sẽ không còn những câu hỏi đại loại như các công ty có bắt kịp công nghệ này hay không nữa mà phải hỏi là khi nào họ sẽ ứng dụng blockchain và sẽ làm như thế nào.