Cryptocurrency là gì? Từ hiện tượng trở thành bảo chứng cho tương lai

“Trở thành triệu phú nhờ đầu tư crypto”, “giàu sau 1 đêm nhờ tiền điện tử”, “trắng tay vì tin vào tiền ảo” … chắc hẳn đây là những câu chuyện kỳ diệu như 1 giấc mơ mà bạn đã đọc và xem rất nhiều trên các phương tiện truyền thông hiện nay.

Vậy Cryptocurrency hay Bitcoin thật sự là gì? Sứ mệnh của cả 2 như thế nào khi được tạo ra? Có nên đầu tư vào Crypto và pháp luật Việt Nam có cho phép làm điều đó hay chưa?

Với kinh nghiệm cá nhân đã ăn nằm trong thị trường trong 6 năm qua thì nếu bạn thành tâm muốn biết thì Khôi sẵn lòng trả lời qua bài viết dưới đây.

Lưu ý: Nội dung không mang tính “xúi bậy” hay “lùa gà”, xin hãy giữ vững túi tiền của mình.

Cryptocurrency là gì? Quan hệ gì với Bitcoin?

Cryptocurrency là tiền kỹ thuật số được tạo ra bởi những thuật toán mã hóa phức tạp (nên còn được gọi là tiền mã hóa), giao dịch và trao đổi trên công nghệ blockchain và không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

Bạn không cần phải hiểu tường tận crypto được mã hóa như thế nào, vì nó liên quan đến yếu tố kỹ thuật.

Bạn chỉ cần biết được là khi thực hiện 1 giao dịch tiền mã hóa thì sẽ không cần trung gian bên thứ 3 và mọi thông tin, dữ liệu sẽ không ai có thể can thiệp, chỉnh sửa hay xóa bỏ, ai cũng có thể xem được lịch sử giao dịch, trừ những thông tin thuộc về cá nhân thì đó là bảo mật.

Để hiểu hơn về cái sự “đỉnh” của công nghệ blockchain thì bạn phải xem hết bài viết mà mình đã từng chia sẻ trước đây. Link ở đây

Quay trở lại với chủ đề thì đồng tiền được xem là anh cả trong thị trường Cryptocurency là Bitcoin (ra mắt năm 2009), sau đó đến anh ba là Ethereum (ra mắt năm 2015), đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 13,431 đồng tiền mã hóa khác nhau trên thị trường, theo thống kê từ Coingecko.

Bitcoin cũng đã tạo được dấu ấn riêng cho mình khi đứng trong top 15 tài sản có tổng vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, cao hơn cả Meta (Facebook cũ).

xếp hạng bitcoin
Xếp hạng tính đến tháng 10/2022 – Nguồn: 8marketcap

Gọi là tiền ảo, tiền điện tử hay tiền mã hóa?

Ngoài cái tên khai sinh là Cryptocurrency thì bao năm qua mình thấy rất nhiều người gọi với những thuật ngữ khác nhau, nào là: tiền ảo, tiền mã hóa và cả tiền điện tử.

Chắc chắn phần lớn đều sẽ nghĩ cả 3 cái tên này đều là Cryptocurrency nhưng sự thật đó là 3 thuật ngữ với các bản chất khác nhau.

Để giúp bạn phân biệt được thì mình sẽ giải thích theo hướng đơn giản nhất theo những gì mình biết, cụ thể như sau:

  • Tiền ảo (virtual currency): được phát hành bởi những người kiểm soát hệ thống, thường là những nhà phát triển dự án, sử dụng để giao dịch trong cộng đồng của dự án đó.
    Ví dụ: đồng SLP trong game play-to-earn Axie Infinity
  • Tiền điện tử (electronic money): là tiền mặt mà bạn sử dụng hàng ngày nhưng ở dạng điện tử, hay còn được gọi là tiền số (DigiMoney), được lưu trữ trên các hệ thống của ngân hàng.
    Ví dụ: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ …
  • Tiền mã hóa (Cryptocurrency): là tiền kỹ thuật số được tạo ra bởi những thuật toán mã hóa phức tạp không chịu sự quản lý của bất kỳ tổ chức nào, mọi giao dịch đều sẽ được thực hiện trên blockchain.
    Ví dụ: Bitcoin, Ethereum …

Túm lại, từ nay để đúng ngữ nghĩa của Cryptocurrency thì bạn phải gọi là tiền kỹ thuật số hoặc tiền mã hóa.

Giấy khai sinh Crypto

Vào ngày 31 tháng 10 năm 2008, sách trắng (whitepaper) được xuất bản bởi nhân vật có bút danh là Satoshi Nakamoto với tiêu đề “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System” (tạm dịch là Bitcoin: hệ thống tiền điện tử ngang hàng), nội dung chính của sách trắng chủ yếu mô tả về blockchain Bitcoin: một hệ thống tạo ra loại tiền kỹ thuật số không cần trung gian.

Lịch sử của Bitcoin đã được viết tiếp vào ngày 3 tháng 1 năm 2009 khi Satoshi Nakamoto đã khai thác khối đầu tiên của mạng Bitcoin, như vậy Nakamoto chính là thợ đào “khai cuốc” đầu tiên của Bitcoin.

Khối đầu tiên này gồm 50 Bitcoin và thời điểm lúc bấy giờ thì số Bitcoin này gần như là vô giá trị (còn hiện tại 1 Bitcoin có giá trị khoảng $33,000).

Ngày 12 tháng 1 năm 2009 diễn ra giao dịch Bitcoin đầu tiên giữa Nakamoto và Hal Finney. Đến tháng 2 năm 2010 đã diễn ra sự kiện giao dịch Bitcoin được xem là “huyền thoại” khi có ai đó đã trả 10,000 Bitcoin để đổi lấy 2 chiếc bánh Pizza.

Sau đó Nakamoto biến mất như 1 vị anh hùng sau bài viết cuối cùng trên bitcointalk (diễn đàn bitcoin đầu tiên do chính nhân vật này tạo ra) vào ngày 12 tháng 12 năm 2010.

Tóm lại, Bitcoin là 1 trong những đồng tiền mã hóa đầu tiên được tạo ra bởi Satoshi Nakamoto, đến tận bây giờ mọi người chỉ biết về bút danh, còn lại những thông tin như Satoshi là nam hay nữ, cá nhân hay tập thể, trú ngụ ở đâu trên thế giới này thì đây xứng đáng được lưu giữ thành 1 trong những điều bí ẩn nhất thế giới.

Tượng Satoshi Nakamoto được dựng tại Hungary
Tượng Satoshi Nakamoto được dựng tại Hungary

Giao dịch Crypto có hợp pháp ở Việt Nam?

Tiền VND mà chúng ta đang sử dụng mỗi ngày hay những đồng tiền riêng của các quốc gia trên thế giới hiện nay sẽ được gọi là tiền pháp định, nghĩa là nó được tạo ra và kiểm soát bởi chính phủ.

Nhưng chính vì tiền mã hóa không bị kiểm soát bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đã đưa chính phủ các nước vào nước cờ rất khó để có thể hợp pháp hóa crypto nói chung và Bitcoin nói riêng.

Tính đến tháng 5 năm 2022 trên thế giới chỉ mới có 2 quốc gia chấp nhận hợp pháp hóa Bitcoin, đó là:

  1. El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới dám làm điều này, chính thức vào tháng 12 năm 2021.
  2. Cộng hòa Trung Phi là quốc gia thứ 2 nối gót El Salvador chấp nhận Bitcoin vào ngày 27/4.

*Hợp pháp hóa Bitcoin nghĩa là chấp nhận Bitcoin là đồng tiền pháp định, tồn tại song song với tiền tệ của quốc gia.

Phần còn lại của thế giới thì mỗi nước đều sẽ có quy định khác nhau về tiền mã hóa và họ đều sẽ có tham vọng riêng cho nước mình vì công nghệ blockchain nói chung và tiền mã hóa nói riêng bất kỳ ai cũng đều phải công nhận, “nó là tương lai”.

Ở Việt Nam, luật đã có nêu rõ là Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, nghĩa là bạn không được sử dụng Bitcoin để giao dịch mua bán như cách mà bạn sử dụng tiền VND trong cuộc sống thường ngày.

Tuy nhiên, Bitcoin không bị cấm mua bán ở trong nước, bạn có thể bán Bitcoin ra tiền VND và hành động sử dụng này thì sẽ không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Nguồn luật: Bitcoin có hợp pháp ở Việt Nam không?

Những dấu hỏi lớn vẫn còn ở đó

Cryptocurrency đã được nhiều người vẽ nên những bức tranh màu hồng với những tên gọi hết sức mỹ miều như “chìa khóa nâng cấp hệ thống tài chính toàn cầu”, “Bitcoin là vàng kỹ thuật số” …

Vậy lý do gì mà nhiều người có thể tuyên bố hùng hồn như vậy? Cùng mình điểm mặt những lợi thế mà tiền mã hóa mang lại sau đây:

  • Không cần những bên trung gian như ngân hàng hay các tổ chức tiền tệ trong các giao dịch …
  • Tất cả đều ngang hàng nhau, không ai quyền lực hơn ai.
  • Chuyển tiền xuyên biên giới với tốc độ nhanh hơn và nó hoạt động 24/7.
  • Cryptocurrency là 1 khoản đầu tư tiềm năng, không cần phải có vốn quá lớn mới có thể tham gia.
  • Đóng vai trò then chốt trong những xu hướng hiện nay như NFT, GameFi …

Song song đó vẫn còn tồn tại những thách thức khá lớn như sau:

  • Nơi lý tưởng cho những tội phạm hoạt động bất chính như rửa tiền, mua bán bất hợp pháp …
  • Việc khai thác tốn quá nhiều tài nguyên và tác hại khá tiêu cực đến môi trường
  • Tài sản để trên ví hay sàn đều sẽ có nguy cơ hacker ghé thăm nếu không cẩn thận.
  • Biến động giá quá lớn, 1 đêm có thể tăng/giảm vài nghìn USD giá trị là chuyện thường thấy ở huyện.

Tạm Kết

Bitcoin và thị trường Cryptocurrency tính đến nay cũng đã được 14 năm tuổi, đi qua nhiều nốt thăng trầm và đã mang lại rất nhiểu cung bậc cảm xúc khác nhau cho rất nhiều người, trong đó có cả mình.

Có thể đã có nhiều xu hướng được sinh ra từ Cryptocurrency theo hướng tiêu cực và rất nhiều người không còn tin và quá nồng cháy với thị trường như thuở ban đầu.

Nhưng Bitcoin không có tội, Cryptocurrency không làm hại ai hết, tất cả đều xuất phát từ lòng tham con người và mình tin rằng bạn cũng không thể nào phủ nhận được tiềm năng và tương lai rất “sáng” mà tiền mã hóa hay rộng hơn là blockchain mang lại.

Có thể không cần phải đến mức đầu tư mà bạn có thể dừng ở việc tham gia trải nghiệm là đủ.

Bạn muốn nhận thông tin từ Trịnh Khôi Hub

Mình sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực chiến của bản thân qua mỗi bài viết. Bạn có thể đăng ký nhận tin mỗi khi có cập nhật nào mới trên blog.