FOMO là gì? Bệnh tâm lý đáng sợ ai cũng sẽ gặp phải

Mình: Sao dạo nay nhiều người đổ xô lên Đà Lạt mở homestay quá ta?

Bạn mình: người ta bị fomo đó

Mình: Fomo????

Nếu bạn là người đã hoạt động trong thị trường cryptocurrency thì đều đã ít nhất 1 lần nghe qua về thuật ngữ này.

Vậy FOMO thật sự là gì? Tại sao lại có thuật ngữ này? Nó có lợi hay hại, ảnh hưởng gì trong việc đầu tư không? Làm sao để biết mình đang bị FOMO? Cách nào để chữa trị khi biết mình bị FOMO?

FOMO là gì? Cảm giác bị FOMO ra sao?

FOMO – viết tắt của Fear of Missing Out là dạng tâm lý sợ bỏ lỡ, tiếc nuối vì không nắm bắt được xu hướng hay cơ hội nào đó.

Lấy lại đoạn đối thoại về vấn đề “nhiều người đổ xô mở homestay trên Đà Lạt” mà mình có đề cập ở phần đầu. Vậy lý do để FOMO ở đây là gì? Đó chính là tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền và làm giàu khi đã có quá nhiều người làm và thành công.

Khi bị FOMO, bạn sẽ cảm giác như bản thân bị thôi miên, lửa trong người hừng hực và chính bạn sẽ tự vẽ ra 1 viễn cảnh trong đầu về sự thành công của bản thân khi thấy được chính điều đó từ người khác.

Không riêng gì trong đầu tư tài chính mà trong bất kỳ 1 vấn đề nào trong cuộc sống bạn đều có thể sẽ bị FOMO, chỉ là đến sớm hay muộn thôi.

Liên quan còn có JOMO và FUD

Khi bạn tìm hiểu những dạng tâm lý của nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính nói chung và cryptocurrency nói riêng thì ngoài FOMO ra sẽ còn 2 dạng khác như:

  • FUD: viết tắt của 3 từ Fear – Uncertainty – Doubt (sợ hãi – không chắc chắn – nghi ngờ), tâm lý của nhà đầu tư sẽ bị tác động từ những thông tin tiêu cực, gây ra những sự hiểu nhầm, mục đích là khiến các nhà đầu tư đưa ra những quyết định chủ yếu có lợi cho người tung tin.
  • JOMO (Joy of Missing Out): dạng tâm lý tích cực hơn với FOMO, nghĩa là thay vì tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội nào đó thì bạn sẽ xem nó như chuyện thường tình, giúp đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong đầu tư.

Tóm lại, FUD thì bạn không thể nào tránh được trong thị trường tài chính, FOMO cũng vậy nhưng khi cảm giác được bản thân đã bị FOMO thì bạn phải biết cách chuyển hóa nó thành JOMO.

Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết bạn đã bị FOMO và phát tín hiệu “Ét ô ét” lên trung tâm bộ não của mình?

Dấu hiệu nhận biết đã “dính chấu” FOMO

Thật ra, nói FOMO thì ai cũng hiểu, nhìn người khác bị FOMO thì bạn sẽ nhìn được ra ngay nhưng khi chính bản thân bị FOMO thì ai cũng biết trừ bạn.

Chỉ đến khi bạn phải đối mặt với hậu quả từ chính quyết định bồng bột của mình thì khi nhìn lại bạn mới biết đó chính là FOMO.

Lấy 1 câu chuyện không có thật để bạn dễ hình dung vấn đề:

Mình thấy người khác lúc nào cũng bàn về Bitcoin và nghe được những câu chuyện kiếm tiền, làm giàu và đổi đời từ việc mua Bitcoin, mình liền làm quen và hỏi thăm người thành công đó.

Sau khi thấy và nghe được quá trình người này đầu tư vào Bitcoin, cảm giác có một cái gì đó chạy rần rần khắp người, khiến mình sướng như điên khi nghĩ đến bức tranh “mình cũng sẽ giàu hay thậm chí là hơn họ bây giờ, có thể mua Mercedes, xài Iphone, Macbook, nhà lầu xe hơi, đi du lịch, báo hiếu cha mẹ …”

Sẵn mình có tiền tiết kiệm nên đã quyết định tìm hiểu và đầu tư 100 triệu VND vào Bitcoin ở mức giá $64,000 cho mỗi Bitcoin, sau vài tháng Bitcoin giảm còn $30,000 và số tiền 100 triệu lúc đầu giờ chỉ còn khoảng 50 triệu VND.

Mình tiếp tục thấy được một vài người chia sẻ về các coin khác đã giúp họ x5, x10 lần tài sản. Không can tâm với số tiền đang bị chia đôi vì Bitcoin, mình rút hết ra và đầu tư theo những đồng coin khác giúp mình kiếm được nhiều hơn.

Nhưng sau nửa tháng, số tiền 50 triệu của mình chỉ còn đúng 5 triệu và số tiền tiết kiệm của mình đã không cánh mà bay.

Qua câu chuyện này bạn có thể hiểu và cảm nhận được về cảm giác bị FOMO. Một cảnh tượng thật đáng sợ trong đầu tư.

Tâm lý FOMO từ đâu mà ra?

Không gì có mặt trên cõi đời này mà không có lý do cả và việc tâm lý như FOMO xuất hiện trong nhiều nhà đầu tư hiện nay có thể sẽ xuất phát từ những nguyên nhân sau đây.

Sự biến động quá lớn của thị trường

Ở thời điểm mà cả thị trường crypto hưng phấn, đánh đâu thắng đó, đánh đại cũng sẽ có thể x được vài lần tài sản, chính vì vậy FOMO ngay tại thời điểm này là cực cao.

Nhưng khi thị trường bắt đầu lao dốc, hay tệ hơn là bước vào mùa đông crypto thì tất cả những người bị FOMO mà không có bất kỳ đánh giá, phân tích cá nhân nào về thị trường để đưa ra những quyết định kịp thời đều sẽ gặp phải những “vết thương” khá lớn.

Liên tục chiến thắng hay thất bại trên sàn giao dịch đều khiến con người ta mất tỉnh táo. Càng may mắn chốt được lời thì càng sợ bỏ lỡ, càng thua thiệt nhiều càng “cay cú” muốn gỡ lại càng sớm càng tốt.

Bị dắt mũi

Tương tự khi thị trường hưng phấn thì sẽ liên tục có những tin tức tốt để tạo FOMO cho các nhà đầu tư, không riêng gì các nguồn tin không chính thống mà ngay cả những nguồn lớn đáng tin cậy vẫn sẽ làm việc này.

Ngược lại khi thị trường gặp “bão” thì lúc này những tin xấu liên tục xuất hiện để tạo tâm lý xấu cho các nhà đầu tư, lúc này bạn có thể gọi đây là FUD.

Vì vậy, kỹ năng về chọn lọc, nghiên cứu, phân tích các nguồn tin cực kỳ quan trọng trong thị trường này, có thể bạn không tránh được FOMO và FUD nhưng hãy giảm tỷ lệ gặp phải xuống mức thấp nhất có thể.

Tham lời, muốn giàu nhanh

Như mình đã có chia sẻ về câu chuyện minh họa từ tài khoản 100 triệu VND chỉ còn 5 triệu VND sau khi ra vào thị trường không có kế hoạch, nhận định hay phân tích nào, mà chỉ đi theo những người đã từng thành công trước đó.

Chính vì tâm lý muốn giàu nhanh, khiến các nhà đầu tư còn non tay, tâm lý yếu đã khiến họ có những chiến lược “đi vào lòng đất”.

Hy vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều. Không ai đón đầu được thị trường kể cả những chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm, quá ảo tưởng về lợi nhuận khủng chỉ sau vài lần “đặt lệnh” chỉ khiến bạn ăn trái đắng.

Hoạ khôn lường từ FOMO

Ai cũng nói nhiều về FOMO, nhưng FOMO mãi là một vòng lặp không hồi kết trong đầu tư crypto, số lượng nhà đầu tư mua ở giá cao và bán ở giá thấp là cực kỳ nhiều trong thị trường này, vì vậy mà bạn cần phải học và thực chiến nhiều để có thể biết được khi nào nên gồng lỗ và cắt lỗ.

Hoạ đường dài mà FOMO mang lại còn nghiêm trọng hơn, đó là khiến bạn mất hẳn niềm tin vào thị trường crypto.

Việc liên tục thua lỗ, mất trắng khiến cho bạn hoài nghi crypto chỉ toàn lừa đảo. Trong khi thực ra chẳng ai hãm hại bạn hết, đều là vì tâm lý FOMO của chính bạn khiến bạn tự làm tự chịu cả đấy thôi.

Hiển nhiên không phải cứ có kinh nghiệm là bạn sẽ thắng mãi, sẽ có những lúc bạn không thể nào thắng được thị trường nhưng phải giảm thiểu rủi ro xuống càng thấp càng tốt.

Né FOMO? Khả thi không?

Hoàn toàn không, bạn chắc chắn sẽ bị FOMO, chẳng qua là mức độ sát thương mà bạn phải nhận là bao nhiêu.

Để giảm những hậu quả đáng tiếc mà FOMO để lại thì bạn nên giữ cho mình cái đầu lạnh với những cách sau:

  • Xác định mục tiêu đầu tư: bạn muốn mua và giữ lâu dài vài năm hay chỉ muốn lướt sóng, vài ngày, vài tháng với 1 đồng coin nào đó, nên có 1 danh mục đầu tư (portfolio) riêng cho bản thân.
  • Chiến lược đầu tư: thường xuyên theo dõi thị trường để có thể đưa ra những quyết định kịp thời, như là cắt lỗ hay chốt lời ở mức vừa đủ, vì thị trường có tính biến động lớn như crypto không thể biết ngày mai nó sẽ ra sao..
  • Tự trang bị kiến thức: bạn có thể tự học từ các nguồn uy tín trong và ngoài nước nhưng kiến thức thực tế và chất lượng nhất đến từ sự trải nghiệm với thị trường, thắng hoài sẽ không cho bạn bài học đắt giá bằng việc thua lỗ.
  • Đừng tin ai, chỉ nên tin mình: trong đầu tư mọi lời nói, tuyên bố hùng hồn từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, thậm chí đó có là tỷ phú thì họ đều có mục đích riêng và bạn chỉ là những con cá nhỏ, có thể bị cá mập ăn thịt bất cứ lúc nào.
  • Tin tức: biết cách chắt lọc thông tin, tự đưa ra những nhận định đánh giá cá nhân riêng về 1 vấn đề đang được đề cập đến. 1 chủ đề đang được bàn tán đến quá nhiều thì bạn nên đặt dấu hỏi lớn.

Tạm kết

FOMO là việc không tránh khỏi, nó sẽ theo bạn trong cả mọi vấn đề của cuộc sống không chỉ riêng trong thị trường tài chính.

Bạn không cần phải đặt quá nặng vấn đề phải tìm và né được FOMO, mà hãy tự trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và làm chủ tốt cảm xúc của mình để giảm thiểu bớt rủi ro mà sẽ do chính bản thân bạn gây ra.

Bạn muốn nhận thông tin từ Trịnh Khôi Hub

Mình sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực chiến của bản thân qua mỗi bài viết. Bạn có thể đăng ký nhận tin mỗi khi có cập nhật nào mới trên blog.