“Tôi đã hoàn toàn bị ám ảnh bởi crypto, chứng nghiện tiền mã hóa này gần như hủy hoại cuộc sống của tôi”.
Đây là câu chuyện đã truyền cảm hứng để Khôi phải viết ngay bài này để chia sẻ đến với đông đảo anh em trong cộng đồng crypto.
Bản thân mình cũng đã từng là 1 con nghiện crypto nhưng bản thân lại không biết cho đến khi “mất đi 1 thứ gì đó” và mình chắc chắn phần lớn trong cộng đồng cũng sẽ như vậy, tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Vậy thì 1 ngày bạn vào xem giá của đồng tiền mình đã đầu tư bao nhiêu lần? Bạn sẽ thế nào với những tin tiêu cực đến với chúng? Sự thua lỗ sẽ ảnh hưởng theo chiều hướng nào đến tâm lý và các mối quan hệ xung quanh bạn? Và liệu rằng bạn có thật sự đang bị nghiện tiền mã hóa không?
Sự thật về chứng nghiện crypto
Nghiện crypto (tiền mã hóa) là 1 dạng bệnh về tâm lý khi cuộc sống của 1 ai đó gắn liền với thị trường khiến họ không thể nào dứt ra được, họ sẽ nghĩ về chúng mọi lúc mọi nơi và nếu 1 ngày không được động tay vào những việc liên quan đến thị trường như giao dịch mua bán thì cảm thấy rất khó chịu, khó chịu đến mức phải làm cho bằng được mới cảm giác thoải mái được.

Sau khi đi tìm hiểu về những trường hợp đã chịu thừa nhận bản thân đã từng nghiện crypto thì cơ bản sẽ có 2 dạng như sau:
- Theo kiểu cờ bạc: lời thì muốn lời nhiều hơn nữa và thua lỗ thì muốn gỡ cho bằng được.
- Theo kiểu gắn liền với 1 cơn nghiện khác: nghĩa là vì lý do tham gia vào thị trường dẫn đến tâm lý tiêu cực, bất ổn và kéo theo việc nghiện những thứ tiêu cực khác, đơn cử như chất kích thích…
Đến đây chắc hẳn sẽ có những bạn sẽ có câu hỏi đại loại như “cũng là 1 dạng đầu tư kiếm lời thôi thì việc gì phải đến mức nghiện?” – Lý do ở đây có thể giải thích được là vì lợi nhuận mà crypto mang lại là quá tiềm năng, đã có nhiều người giàu sau 1 đêm vì vậy mà theo tâm lý FOMO nhiều người đã lao theo như 1 con thiêu thân.
Câu chuyện về người từng trải
Nói có sách mách có chứng, để Khôi kể cho bạn nghe về câu chuyện có thật được chia sẻ lại từ de Vries – giám đốc điều hành của The Diamond Rehab, trung tâm chuyên điều trị cho những người nghiện rượu và ma túy ở Thái Lan về 1 bệnh nhân nghiện tiền mã hóa mà ông đã từng điều trị.
Bệnh nhân này đã ở ngoài tuổi 30, có 2 con nhỏ, sở hữu 1 công ty marketing, đó là tất cả thông tin có thể biết vì tính bảo mật.
Vào năm 2016, tôi đã nghe đến về Ethereum và đã mua trữ rất nhiều đồng tiền mã hóa này. Sau đó nhìn thấy người bạn mua thêm những loại tiền mã hóa khác (altcoin) tôi cũng hào hứng mua theo.
Kể từ đó, mỗi ngày qua đi, tôi dành toàn bộ tâm trí để đi tìm kiếm thêm các dự án tiềm năng để đầu tư.
Tôi là 1 người không thiên về kỹ thuật nên rất khó khăn để có thể tìm hiểu về tất cả trong thị trường, nhiều lúc mọi thứ trở nên quá tải nhưng niềm an ủi là tôi cũng kiếm được kha khá tiền, thậm chí bạn gái tôi cũng không tin vào những gì tôi đang làm khi mà cả ngày chỉ cắm mặt vào máy tính.
Tôi thường xuyên kiểm tra giá cả nhiều lần trong ngày và tôi thật sự bị ám ảnh bởi hành động này, tôi xem rất nhiều video trên Youtube từ những người nhận mình là chuyên gia và tôi luôn suy nghĩ về kịch bản “điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi rất nhanh khi tôi đã không cẩn thận trong việc bảo mật tài sản của mình.
Tôi đã mua Ledger (ví lạnh), nhưng lại chưa bao giờ sử dụng đến và tôi cứ đinh ninh tiền bỏ trên MyEtherWallet (ví nóng) là đủ an toàn rồi, sau đó tôi bị hack và gần như là mất tất cả mọi thứ, thời điểm đó trị giá khoảng vài trăm nghìn USD và ở hiện tại có khi là vài triệu USD.
Tôi thật sự ngu ngốc khi bản thân đã được cảnh báo từ trước nhưng vì lười và chủ quan trong việc bảo mật tiền của mình. Tôi đã bắt đầu mất kiểm soát và muốn tìm lại những gì đã mất.
Trước khi bị hack và mất tiền tôi có công việc kinh doanh của riêng mình và thu nhập rất tốt, nhưng rồi tôi cần thêm tiền để gỡ gạc lại và bắt đầu đi vay mượn với lãi suất cắt cổ, sau đó là đến vay bạn bè, bạn gái tôi cũng đã khuyên tôi rất nhiều nhưng tôi bỏ mọi thứ ngoài tai.
Thậm chí tôi tuyệt vọng đến mức còn trộm cả tiền của bố mẹ mình, số tiền có thể không lớn nhưng sự thất vọng, lòng tin về tôi đã dần mất đi khi mẹ tôi phát hiện ra sự việc và bà ấy đã tự dằn vặt và trách bản thân rằng bà ấy đã làm gì sai mà để con trai mình thành ra cơ sự này, bà ấy luôn tự nhận phần lỗi về mình và điều này với tôi thật sự rất đau, đến suốt cuộc đời này tôi sẽ không thể nào quên được.
Nói về bạn gái của tôi thì nếu tôi là cô ấy ở trong thời điểm đó có thể tôi đã chia tay vì những sự ngu dốt của mình, nhưng cô ấy lại chọn ở bên tôi mặc dù mối quan hệ cả 2 lúc đó thật sự rất tệ, cô ấy là 1 người tuyệt vời và hiện tại đã là vợ của tôi, tôi rất yêu cô ấy.
Ngoài vấn đề về các mối quan hệ thì chứng nghiện tiền mã hóa này cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc của tôi. Mặc dù tôi có công ty riêng và tôi hoàn toàn làm việc tự do, khi tôi tập trung quá nhiều vào crypto tôi dường như bỏ bê công ty và mọi việc tôi có thể làm chỉ để giữ công ty hoạt động, không định hướng, không có thêm sự phát triển nào.
Lúc này bạn gái tôi mới khuyên là tôi cần phải có sự giúp đỡ nào đó và tôi cũng cảm thấy bản thân đang trong tình trạng báo động, vì vậy mà tôi đã phải tìm đến đây để được giúp đỡ.
Khi đến đây tôi gần như trắng tay và bố mẹ tôi đã đứng ra để chi trả mọi thứ để tôi có thể tìm lại bản thân mình, tôi đã trải qua rất nhiều buổi học trực tiếp với nhiều câu hỏi khác nhau để tìm ra được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Hiện tại có thể xem là tôi đã cai nghiện crypto thành công, mặc dù nó rất khó khăn khi biết thị trường đang tăng giá, nhưng cơ hội sẽ không có lần 2 và tôi biết bản thân không được lặp lại những sai lầm trong quá khứ 1 lần nào nữa.
Tôi đã thoát hẳn khỏi thị trường và trong quá trình điều trị tôi đã được học về việc tập trung vào những việc tạo cho tôi niềm vui, nghĩa là tôi thay thế chứng nghiện bằng 1 thứ gì đó tốt hơn, chẳng hạn như tôi có 1 gia đình nhỏ, bạn gái ngày xưa đã thành vợ của tôi và chúng tôi có 2 đứa con nhỏ và chúng là 1 trong những động lực giúp tôi tốt hơn mỗi ngày.

1 con nghiện sẽ “trông” như thế nào?
Qua câu chuyện trên bạn cũng có thể rút ra được 1 vài dấu hiệu xem bản thân có đang thật sự bị nghiện tiền mã hóa hay không:
- Lúc nào cũng nghĩ về thị trường.
- Thường xuyên kiểm tra giá của những đồng tiền mã hóa đã đầu tư, tần suất ít thì không sao nhưng quá dày đặc trong 1 ngày thì cần phải xem lại.
- Cảm giác sẽ bị bỏ lỡ cơ hội nếu như không tham gia vào cùng những người khác, dẫn đến việc là thường xuyên giao dịch không ngừng nghỉ mà không có bất kỳ sự tính toán nào.
- Ám ảnh trong việc phải kiếm nhiều tiền và làm giàu từ crypto.
- Mất hứng thú với các hoạt động xã hội, trở nên ít nói hơn mặc dù trước đây không phải người như vậy.
- Căng thẳng, mất ngủ, cáu bẩn… các triệu chứng về tinh thần khác khi giao dịch thua lỗ hoặc không thể thực hiện giao dịch được vì 1 lý do nào đó.
- Khi thua lỗ chỉ muốn gỡ và sẵn sàng vay lãi cao cắt cổ hoặc ăn cắp tiền để lấy lại những gì đã mất.
- Giao dịch bất chấp thị trường xấu, tình hình tài chính cá nhân, mối quan hệ và cả sức khỏe bản thân.
- …
Nhìn chung đã đầu tư thì khó tránh được những cảm xúc tiêu cực, xuất hiện ít thì có thể thay đổi được nhưng nếu xuất hiện nhiều và tình hình ngày càng tồi tệ đi đồng nghĩa với việc là đã đến tình trạng báo động.

Những hệ quả để lại là không hề nhỏ
Nghiện tiền mã hóa khó mà hiểu theo hướng tích cực được, nó cũng giống như việc bạn nghiện cờ bạc hay chất kích thích vậy.
Nhiều người sẽ không biết là họ nghiện cho đến khi tình trạng thua lỗ bắt đầu diễn ra, họ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như mình đã có kể trên, rất nhiều vấn đề tâm lý theo chiều hướng tiêu cực.
Sau cùng hiệu ứng domino sẽ diễn ra, khi mà tâm lý bản thân bất ổn thì rất dễ ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh như thường xuyên bất đồng quan điểm, cãi vã với người thân, xung đột, lòng tin với nhau cũng dần lạc lối.
Vợ chồng chia ly, bố mẹ – con cái thì bất hòa, anh em thì tương tàn, bạn bè thì xa lánh, bạo lực sẽ xảy ra. Đó là những kịch bản xấu nhất có thể có bởi chứng nghiện tiền mã hóa.
Chưa kể đến là những hệ quả sẽ ảnh hưởng đến tài chính, sự nghiệp và có thể là cả tính mạng của bạn nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.

Nghiện được thì phải cai được
Dám làm thì dám chịu và có bệnh thì cần được chữa, trước khi đi đến những trung tâm cai nghiện để có sự chăm sóc tốt và hiệu quả bởi những người có chuyên môn thì bạn hãy thử thay đổi bản thân qua những cách sau đây:
- Hãy tập trung vào công việc chính, tạo sự áp lực để giảm thời gian xem giá coin.
- Tạm thời hãy chặn hết những app liên quan đến giao dịch crypto, khóa tài khoản mạng xã hội và cố gắng không ngồi trên máy tính những lúc rảnh.
- Hãy thay thế bằng những cơn nghiện khác theo hướng tích cực, có thể là nghiện làm việc, nghiện nuôi cá, nghiện bàn phím cơ hay setup…
- Sống chậm lại và hãy quan sát thật kỹ những người thân đang bên cạnh mình, dành thời gian cho họ nhiều hơn.
- Chăm tập thể dục, thể thao hoặc nếu có thể hãy học cách thiền để tâm được thanh tịnh.
- Thay đổi tư duy đầu tư, crypto có thể là cơ hội nhưng hãy hướng về những giá trị lâu dài và nên đầu tư có chiến lược, không bị FOMO quá đà.
- Học cách bảo mật cho tài sản tiền mã hóa của mình.
- Đầu tư có thể giúp bạn giàu nhưng crypto không phải là lựa chọn duy nhất.
Đó là về phía những người nghiện, còn nếu bạn là người thân của những người nghiện thì cũng cần phải biết cách để có thể hỗ trợ họ cai nghiện tiền mã hóa thành công.
- Đồng cảm và lắng nghe: những người nghiện họ thường có rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nhau, bạn nên đồng cảm và lắng nghe về tâm tư của họ nhiều hơn, đôi khi chỉ cần 1 vài lời động viên của bạn thôi cũng là cách để họ có thể dứt được thành công cơn nghiện.
- Dứt khoát nói không: “đừng nghe những thằng nghiện nói”, với người nghiện tiền mã hóa thì bạn nên dứt khoát về vấn đề tài chính, không cho vay mượn vì số tiền này 1 đi sẽ không trở lại, đừng nghe những lời ngon ngọt dụ dỗ về 1 tương lai tương sáng, thẳng thắn “say no” trong vấn đề này.
- Vứt bỏ những thứ liên quan: với 1 người nghiện rượu thì nên loại bỏ hết rượu khỏi tầm mắt nếu như muốn cai nghiện thành công thì với tiền mã hóa cũng vậy, bạn nên hạn chế những thứ liên quan đến tài chính xuất hiện quá nhiều trước mặt họ như là tin tức liên quan, tạp chí, thẻ tín dụng, tiền mặt, còn về internet thì nếu được hãy chặn hết những nguồn liên quan đến tài chính và crypto để họ không thể truy cập được.
- Hướng đến lối sống lành mạnh: thường những người nghiện tiền mã hóa cũng sẽ có xu hướng nghiện thêm những thứ tiêu cực khác như rượu, bia, thuốc lá… nên hãy hướng họ theo 1 lối sống lành mạnh hơn như về các vấn đề ăn uống hay các hoạt động thể dục thể thao.
Đó chỉ là những cách có thể dùng được với những trường hợp nhẹ, còn nếu bạn đã thử và cảm nhận được bản thân đã nghiện nặng quá rồi thì nên đến trung tâm điều trị.

Nghiện vậy là dở rồi! Nhưng đó cũng là bài học lớn mà cả bạn và mình đều có thể xem và rút ra được cho bản thân mình trong đầu tư, nhất là trong thị trường biến động “kinh khủng” như cryptocurrency.