Web 3.0 là gì? Thế giới mới của loài người?

Có bao giờ bạn cảm thấy “rùng mình” khi liên tục gặp những quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đúng với nhu cầu của mình chưa? Hay thậm chí là bạn vừa chỉ nói vài ba câu với người khác về 1 chủ đề nào đó thì ngay lập tức quảng cáo đó xuất hiện trên ứng dụng và website mà bạn truy cập?

Mình cũng có cảm giác “lạnh gáy” như vậy và câu hỏi được đặt ra ở đây “liệu chúng ta có đang là sản phẩm để người khác kiếm tiền?”

Đó chính xác là chế độ độc tài của thế hệ Internet hiện tại mà theo phân loại thì sẽ được gọi với cái tên là web2.

Chính vì vậy để người dùng như chúng ta đòi lại công bằng và làm chủ mọi thứ thuộc về mình thì cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng, nghĩa là cần phải có một thế hệ mới của Internet, mà nhiều người vẫn hay gọi là web3 (web 3.0).

Vậy liệu web3 trong tương lai có thành hiện thực không? Nó có phải là thế giới mới trong hành trình phát triển của loài người?

Web3 hay Web 3.0 là gì?

Để dễ hiểu thì bạn hãy tách riêng biệt web và 3.0 ra, ta sẽ có: web (trong website) và 3.0 đơn giản là bản nâng cấp lớn tiếp theo từ 2.0. Web3 sẽ là thuật ngữ đại diện cho giai đoạn tiến hóa kế tiếp của website nói riêng và Internet nói chung.

Web3 thật sự rất rộng, nó sẽ là tập hợp những công nghệ, sản phẩm, tài sản mà trọng tâm là blockchain. Nó sẽ dọn dẹp hết những đống rác mà web2 (thế hệ internet hiện tại) đã để lại.

web 3.0 là gì

Dừng lại khoảng chừng là 2 giây ở phần này, vậy bạn đã hiểu được Internet là gì chưa? Hay bạn chỉ hiểu đơn thuần Internet là nơi để mọi người kết nối với nhau?

Đúng nhưng chưa đủ và để cảm nhận được bức tranh toàn cảnh mà web3 mang lại bạn cần phải hiểu về quá trình trưởng thành của Internet qua từng thế hệ từ sơ khai đến web1, web2 và tương lai là web3.

Tại sao lại có số 3 mà không phải số nào khác?

Đơn giản có số 3 vì đã có sự tồn tại của số 1 và số 2 thì bước nâng cấp tiếp theo phải dùng số 3. Web1, web2 và web3 đại diện cho từng thế hệ của Internet.

Sơ khai của Internet

Ý tưởng về Internet đã có từ đã có từ những năm đầu 1900 bởi Nikola Tesla về việc tạo ra 1 hệ thống không dây trên thế giới.

Đến cuối năm 1960, ARPANET là một trong những dự án tiên phong được xem là nguồn gốc Internet của bộ quốc phòng Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, song hành cùng với ARPANET thì còn rất nhiều dự án tương tự cũng được sinh ra cùng thời điểm nhưng hạn chế là chúng không thể kết nối và giao tiếp được lẫn nhau.

Để dễ hiểu thì bạn hãy hình dung Internet thời điểm đó như 1 bộ tộc riêng biệt, tất cả những thành viên trong bộ tộc đó có thể trao đổi thông tin cho nhau nhưng không có cách nào có thể giao tiếp được vì bất đồng ngôn ngữ, chính điều này đã tạo ra sự phân mảnh, không ai biết đến sự tồn tại của ai trên Trái Đấy này.

Góc lịch sử: Người đã phát minh ra internet

Con người không thể nào sống thiếu Internet

 

Internet là thứ không thể nào thiếu ở mỗi gia đình hiện nay

Web1 (đọc và đọc)

Thời điểm đó, Internet đã đạt đến mức đột phá của sự kết nối nhưng chỉ dừng lại ở mức độ là gửi thông tin từ máy tính này sang máy tính khác.

Nghĩa là để các bộ tộc có thể liên lạc được với nhau thì phải nói cùng 1 loại ngôn ngữ nhưng để có thể tìm và gặp được nhau thì cần phải có điều kiện về đường xá để đi lại.

Những vấn đề này đã được Tim Berners-Lee đưa ra giải pháp vào năm 1989 khi ông đã tạo ra trình duyệt web (World Wide Web) và đến cuối năm 1991 trang web đầu tiên được mở trên Internet.

Góc lịch sử: cha đẻ của website (world wide web)

Đây đã được xem là một bước tiến lớn nhưng vẫn dừng lại ở việc người dùng chỉ có thể tiêu thụ thông tin, nghĩa là bạn chỉ có thể đọc mà không thể có bất kỳ một tương tác nào khác như ở hiện tại.

 

Cha đẻ của World Wide Web

Web2 (tương tác)

Cuộc cách mạng lớn

Cùng nhìn lại dự án ARPANET, được sinh ra với tính chất phi tập trung, nghĩa là không cần trung gian để lưu trữ website hay quản lý bất kỳ thông tin nào khác, mọi thứ đều được xử lý bằng máy tính cá nhân.

Điều này thật sự tốt nếu mạng lưới nhỏ nhưng khi “phình to” ra về quy mô thì mô hình thế này không thể xử lý hết được.

Chính vì vậy mà các nền tảng trung gian bắt đầu ra đời như 1 giải pháp, và chính thức mở ra cuộc đua giữa các nền tảng về việc thu thập dữ liệu cá nhân từ người dùng.

Về bản chất thì web2 mang đến cho người dùng khả năng tương tác hơn là việc chỉ có thể đọc như ở web1, nghĩa là người dùng có thể đóng góp cho 1 website mà họ quan tâm bằng cách viết những nhận xét riêng của họ.

Từ đó nhiều website đã biến thể thành một nền tảng giúp người dùng có thể trò chuyện, tán gẫu với nhau.

Tổng hợp tất cả những điều kiện cần này đã cho ra 1 trong những thành tựu đáng tự hào nhất của web2 là mạng xã hội.

 

Web2 là sự bùng nổ của mạng xã hội và tính tương tác

Chúng ta cũng chỉ là những con mồi

Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm lên ở web2 chính là thông tin người dùng và với những nền tảng mạng xã hội thì đây không khác gì kho báu.

Một trong những cách để họ có thể kiếm tiền được từ người dùng, chính là quảng cáo.

Mỗi nền tảng đều sẽ có những AI riêng để phân tích những hành vi của người dùng dựa trên những thông tin mà họ cung cấp như họ tên, nơi sinh sống, giới tính, mối quan hệ, thậm chí những thao tác mà bạn thực hiện như tìm kiếm, thích hay chỉ cần dừng lại đọc 1 thông tin gì đó đủ lâu thôi là một vài phút sau những quảng cáo đúng hoặc gần đúng nhu cầu của bạn sẽ xuất hiện.

Đưa được chính xác 1 cái tên để bạn có thể hình dung được thì chạy không đâu thoát ngoài Facebook. Facebook đã làm tốt đến mức mà phần lớn người dùng hiện nay khi mở máy tính hay điện thoại lên thì đều sẽ có thói quen vô Facebook đầu tiên.

Đến thời điểm hiện tại thì Facebook đã có được 1 kho tàng cực kỳ đồ sộ về dữ liệu người dùng và kiếm được bộn tiền từ việc cho các doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau đặt quảng cáo.

Năm 2020, Facebook đã mang về 85.96 tỷ USD doanh thu và 84.2 tỷ USD trong số đó đến từ quảng cáo.

https://file.publish.vn/catonchain/2022-05/meta-thu-nhap-facebook-1654245150562.png

 

Doanh thu và thu nhập ròng của Facebook từ năm 2017 đến năm 2021 – Nguồn: Statista

Web3 (đòi lại quyền dân chủ cho người dùng)

Cùng nhìn lại thì web1 là thế hệ internet mà bạn chỉ có xem và đọc mà không thể có sự tương tác nào, không bị thu thập dữ liệu, không có quảng cáo.

Web2 là kỷ nguyên của mạng xã hội với những thuật toán và quảng cáo, bất chấp trong việc thu thập dữ liệu người dùng.

Chính những mớ hỗn độn mà web2 gây ra thì web3 được kỳ vọng là cuộc cách mạng để người dùng đòi lại chủ quyền cho mình trên môi trường Internet.

Vậy web3 có gì? Và nó có thật sự cần ở hiện tại?

Có thật sự cần ở hiện tại?

Điểm chung của web1 và web2 là cần phải có trung gian, chẳng hạn như Facebook là trung gian kết nối mọi người lại với nhau hay Youtube sẽ là trung gian giữa người sáng tạo nội dung và người xem.

Còn khi đứng ở góc độ của 1 giao dịch mua bán thì vai trò của người trung gian sẽ là kết nối và phải đảm bảo được sự tin tưởng giữa 2 bên.

Chính vì vậy để có thể cắt bỏ khâu trung gian nhưng vẫn đảm bảo được sự tin tưởng cao nhất thì có thể web3 sẽ có 1 giải pháp mang tên là blockchain.

Nhờ những điểm mạnh như công nghệ sổ cái phân tán hay hồ sơ bất biến mà sẽ giúp người dùng kiểm soát được dữ liệu cá nhân của họ.

Xem thêm: Blockchain là gì? Có gì ở hiện tại và tương lai sẽ thế nào?

Tóm lại ở hiện tại rất cần Web3 nhưng đó sẽ là bài toán cho ít nhất 5-10 năm sau.

Nhắm mắt lại và tưởng tượng 1 thế giới có web3 sẽ như thế nào?

Như mình đã có chia sẻ và nhắc đi nhắc lại web3 rất rộng và ở thời hiện tại sẽ không thể nào có được 1 khái niệm chính xác nhất những gì sẽ xảy ra trong thế giới có sự xuất hiện của web3.

Nhưng với góc nhìn cá nhân của mình và tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác, cộng thêm trí tưởng tượng “ở tầm vũ trụ” thì mình sẽ giúp bạn vẽ ra 1 bức tranh toàn cảnh tương lai thế giới web3 như sau:

  • Blockchain: vẫn sẽ là nền tảng chủ chốt của web3, tạo sự tin tưởng tuyệt đối giữa những người dùng, không cần khâu trung gian.
  • Cryptocurrency (tiền mã hóa): sẽ là phương tiện thanh toán trong thế giới web3, ngoài ra còn là tài sản để đầu tư lưu trữ hoặc cũng có thể dùng để thưởng cho người sáng tạo và người dùng.
  • Dapps (ứng dụng phi tập trung): trong thế giới web3 sẽ không dễ bị hack như những cụ tổ thời web2, do các ứng dụng sẽ được chạy trên blockchain, không có máy chủ trung gian, mà chúng được sở hữu và quản lý bởi người dùng blockchain.
  • (Wallet): Đây chính là mấu chốt của web3, trong thế giới này bạn không còn phải cung cấp những thứ như họ tên, sdt, ngày sinh, CCCD … chẳng hạn như với những dapps mà bạn truy cập vào thì họ không yêu cầu bạn tạo tài khoản mới có thể sử dụng được dịch vụ, thay vào đó chỉ yêu cầu kết nối với ví của bạn.
  • NFT (non-fungible tokens): là những tài sản độc nhất vô nhị tồn tại trên blockchain, không thể thay thế, sao chép hay xóa bỏ. Đây là 1 trong những sản phẩm không thể nào thiếu trong thế giới web3 tương lai.
  • DAOs (tổ chức tự trị phi tập trung): đây là một cách thức mới để tổ chức cộng đồng, giúp đưa ra những quyết định đối với tài sản hay những quyết định mang tính tập thể. Với DAOs, thay vì tập trung quyền kiểm soát vào 1 người hay 1 nhóm nhỏ thường thấy ở các công ty hiện tại thì sẽ phân phối quyền này đến với tất cả thành viên trong DAOs.
  • Metaverse: đây là một không gian ảo mà trong tương lai sẽ gắn liền với thế giới thực có sự tồn tại của web3. Trong thế giới này bạn hoàn toàn có thể làm được mọi việc như gặp gỡ bạn bè, làm việc, tạo cửa hàng để kinh doanh, mua bán bất động sản … Nghe thì có vẻ hơi ảo và không có giá trị nhưng nó sẽ gắn liền với kinh tế thật, mọi thứ đều sẽ tồn tại trong thế giới blockchain.
  • AI (trí thông minh nhân tạo): sẽ ngày càng thông minh hơn và như những gì mà bạn đã xem ở những bộ phim khoa học viễn tưởng thì trong tương lai có thể sẽ đạt mức 1/10.
  • IOT (Internet of thing): nghĩa là việc kết nối internet không chỉ gói gọn ở máy tính và điện thoại thông minh nữa mà sẽ mở rộng ra những thứ xung quanh con người, việc này có thể bạn cũng có thể cảm nhận được sự phát triển ở thời điểm hiện tại.

Đó là những gì mình có thể vẽ ra trong trí tưởng tượng của mình, còn bạn?

Thừa nhận đi, đây sẽ là những gì web3 phải đối mặt

Tiềm năng là thế nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng với 1 bức tranh đang được vẽ ra và được tô màu bởi nhiều trí tưởng tượng khác nhau thì vẫn còn những rủi ro, chẳng hạn như:

  • Pháp lý, quy định.
  • Những tội phạm trên môi trường Internet ở không gian tập trung đã rất khó kiểm soát nhưng khi qua không gian phi tập trung thì không khác gì như “cá gặp nước”.
  • Cũng vì ưu điểm là phi tập trung mà nếu một quốc gia nào đó muốn điều chỉnh hay thực thi ở nước mình cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Còn vô vàn những thử thách được đóng gói thành 1 bài toán khó đợi thiên tài đến và cho đáp án, bao lâu nữa mới đến thì còn phải chờ.

Tạm Kết

Tuổi đời của Blockchain tính đến nay cũng đã bước sang năm thứ 31, số năm phổ biến và phát triển thật sự chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng blockchain vẫn chỉ đang ở giai đoạn cực kỳ sơ khai.

Chính vì vậy để có thể hiện thực hóa web3 thì cần phải một khoảng thời gian nữa, có thể là 10 năm … 20 năm tới … hoặc cũng có thể là sẽ không bao giờ có nhưng ở điều kiện hiện tại thì web3 vẫn chưa thể nào xuất hiện được.

Tuy nhiên, đâu ai biết trước được điều gì, có thể mọi thứ sẽ thay đổi một cách chóng mặt trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, cùng mình chờ đợi bước chuyển giao giữa 2 thế hệ này. Mình cũng đang rất mong chờ!

Bạn muốn nhận thông tin từ Trịnh Khôi Hub

Mình sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực chiến của bản thân qua mỗi bài viết. Bạn có thể đăng ký nhận tin mỗi khi có cập nhật nào mới trên blog.